BIM là xu hướng công nghệ tất yếu trong ngành xây dựng. Tại Việt Nam Thủ tướng đã có quyết định 2500/QĐ-TTg phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Theo đó giai đoạn 2017-2019 thực hiện các công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo và thí điểm áp dụng BIM hướng đến áp dụng rộng rãi BIM kể từ năm 2021.
Việc áp dụng BIM hướng tới mục tiêu thực hiện tiết kiệm ít nhất 30% về chi phí quy đổi tổng hợp từ các chủ thể có liên quan thực hiện áp dụng BIM, tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Trong đó:
- Chi phí xây dựng tiết kiệm khoảng 10% (trong đó giảm lãng phí về vật liệu xây dựng khoảng 20%);
- Giảm thời gian thi công xây dựng khoảng 10% so với tiến độ được phê duyệt;
- Giảm thời gian thiết kế, điều chỉnh thiết kế khoảng 10%;
- Giảm các yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế khoảng 40%.
Các chủ đầu tư như Tập đoàn Viettel, tập đoàn Vingroup, AlphaKing.. đã đưa ra các yêu cầu BẮT BUỘC ÁP DỤNG BIM trong một số dự án xây dựng.
Đối với lĩnh vực xây dựng công trình nhà (nhà dân dụng, nhà công nghiệp) việc đầu tư và áp dụng công nghệ BIM được triển khai khá sớm, đi tiên phong bởi các nhà thầu tư nhân hàng đầu Việt Nam như Coteccons, Hòa Bình, Delta…
Tuy nhiên đối với lĩnh vực công trình cầu nói riêng, công trình cơ sở hạ tầng nói chung việc áp dụng BIM có chậm hơn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Áp dụng BIM tại tập đoàn Hòa Bình